Bác sĩ Đoàn Văn Trí - Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết:
- Người bị chó, mèo cắn trước tiên là bị thương, rách da, chảy máu; sau đó có thể bị nhiễm trùng, uốn ván. Chó, mèo bệnh cắn có thể lây bệnh cho người, trong đó đáng sợ nhất là bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, trước tiên phải rửa sạch vết thương. Nhiều người dùng muối, chanh xát vào vết cắn, nhưng cách này không có tác dụng gì. Cần rửa vết cắn bằng nước với xà phòng, vì sẽ loại bỏ những chất dơ và một số vi trùng; nhất là xà phòng có thể trung hòa được virus dại. Sau đó sát trùng vết thương bằng cồn hoặc cồn iode... Nếu vết thương nặng cần có sự chăm sóc y tế. Cần lưu ý, nguyên tắc chung là không nên may vết thương do chó, mèo cắn. Vì nếu vết thương đó do chó, mèo dại cắn thì những thao tác may (như đẩy kim, kéo chỉ...) sẽ làm virus dại lan rộng.
- Trường hợp nào phải tiêm phòng, thưa bác sĩ?
- Ông Đoàn Văn Trí: Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm ngừa uốn ván và theo dõi con vật đã cắn. Với chó, mèo lớn, sau 10 ngày mà chúng vẫn bình thường thì có nghĩa là khi cắn người nó chưa bị dại, không thể lây bệnh cho mình. Trong thời gian theo dõi, nếu con vật phát bệnh, hoặc bị chết (với bất cứ nguyên nhân nào) hoặc bỏ đi... thì cũng phải tiêm phòng ngay. Bị chó, mèo con cắn thì cần đi tiêm phòng ngay, không chờ theo dõi. Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục... phải tiêm phòng ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không; tiêm vắc-xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại.
- Vì một lý do nào đó, nếu người bị chó, mèo cắn đến cơ quan y tế trễ thì sao?
- Cơ quan y tế vẫn phải xử lý bình thường theo quy định chuyên môn, không được từ chối.
Theo Thanhnien